Sign In

Tin tức sự kiện >> Đầu tư

Đánh thức tiềm năng của các địa phương khu vực Tây Bắc

02/11/2018 04:23:31 Xem cỡ chữ Google
Sáng 01/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Báo Công thương tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất hàng hóa, tạo liên kết vùng và thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc trong hội nhập”.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; lãnh đạo 12 tỉnh khu vực Tây Bắc cùng các chuyên gia, nhà quản lý và một số doanh nghiệp.

Về phía tỉnh Yên Bái, có đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thị xã của tỉnh.

Tây Bắc là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên nhiều lĩnh vực, như: Thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại, du lịch… Đặc biệt, với đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu, lợi thế đất đai, sự đa dạng sinh học, khu vực Tây Bắc có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi trông thủy sản, phát triển dược liệu…Các sản phẩm chủ lực là thế mạnh chung của cả vùng được nhiều người biết đến như: chè, cây ăn quả, gạo đặc sản, cây dược liệu, gỗ rừng trồng và nhiều sản phẩm nông, lâm sản khác...

Mặc dù có những tiềm năng thế mạnh và nhiều điểm tương đồng nhưng các địa phương ở khu vực Tây Bắc lại không có sự liên kết để tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút  nhà đầu tư thực hiện các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế, phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra.

Tại Hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc đã trình bày tham luận, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và thực trạng sản xuất, phát triển hàng hóa của địa phương; những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thời kỳ hội nhập.

Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế về chính sách biên mậu, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc; những cơ hội và thách thức trong thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, thương mại, dịch vụ và du lịch…

Ông Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đề xuất 8 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Trong đó, nhấn mạnh: Tây Bắc cần xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển, từ đó huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý. Đồng thời, tiếp tục cải cách cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn lực, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt, cần chú trọng tăng cường hợp tác và phát triển thị trường, tạo liên kết vùng và phát huy thế mạnh của liên kết vùng trong phát triển kinh tế.

Có thể nói, các nội dung đề cập trong Hội thảo là những vấn đề thiết thực, quan trọng vừa có tính cấp thiết trước mắt vừa mang tính chiến lược, lâu dài góp phần giải quyết một trong những vấn đề thách thức chung của các địa phương trong khu vực Tây Bắc về xây dựng mối liên kết vùng, thu hút đầu tư để phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững, góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh và sức mạnh tổng hợp của khu vực Tây Bắc - khu vực có vị trí địa kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước./.

 

Nguyễn Thoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h