Sign In

Tin tức sự kiện >> Doanh nghiệp

Doanh nghiệp Yên Bái gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19

24/04/2020 03:22:05 Xem cỡ chữ Google
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt đời sống xã hội của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp trên cả nước, các doanh nghiệptại Yên Báiđứng trước nhiều khó khăn, thách thức để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống cho cán bộ, người lao động.

Gia công giấy xuất khẩu tại Công ty cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái

Tính đến hết tháng 3 năm 2020, toàn tỉnh có 2.194 doanh nghiệp và 424 hợp tác xã (HTX). Trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp có 86 doanh nghiệp và 256 HTX(chiếm 13,1%); lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có 1.255 doanh nghiệp và 79 HTX (chiếm 51%); lĩnh vực thương mại – vận tải có 648 doanh nghiệp và 9 HTX(chiếm 25,1%); 205 doanh nghiệpvà 80 HTX thuộc lĩnh vực du lịch – dịch vụ (chiếm 11%).

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chững lại, thậm chí là sụt giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp không có doanh thu, một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động hoặc tạm dừng một phần trong dây chuyền sản xuất, kéo giãn tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản kinh phí rất lớn để trả lãi suất ngân hàng, nộp các loại thuế, tiền thuê đất, chi phí lưu kho bãi, kinh phí duy trì bộ máy, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động...Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải tăng thêm các chi phí phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị.

Hầu hết các doanh nghiệp đều bị tác động trực tiếp và  gián tiếp bởi Covid-19. Trong đó, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp có thể thấy rõ nhất là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí, vận tải; doanh nghiệp xuất, nhập khẩu với Trung Quốc… và gián tiếp bị tác động là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp phòng chống dịch bệnhdịch bệnh Covid-19, các đơn vị vận tải đã ngừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động để luân chuyển hàng hóa. Công ty TNHH Thương Mại và dịch vụ Hải Phượng chuyên khai thác dịch vụ vận tải hành khách tuyến Yên Bái - Hà Nội đã phải tạm ngừng hoạt động từ tháng 3/2020. Theo ông Ngô Văn Hải – Giám đốc công ty cho biết doanh thu quý 1/2020 của công ty sụt giảm hơn 10 tỷ đồng và chưa thể phục hồi được trong những tháng tiếp theo, hiện Công ty đang phải làm hồ sơ giãn nợ và giảm lãi vay ngân hàng.

Nhà máy sản xuất, chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Yên Bình hiện đang hoạt động khá cầm chừng. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, mỗi tháng Công ty xuất bán được 1.000 tấn tinh bột sắn nhưng từ sau tết đến nay không xuất bán được và tồn khoảng 3.000 tấn, tương đương khoảng 25 tỷ đồng. Tồn hàng, đồng nghĩa với việc thiếu vốn để sản xuất, nhất là tiền thu mua nguyên liệu cho nông dân, buộc Công ty chỉ hoạt động cầm chừng, một số lao động đã buộc phải nghỉ việc tạm thời. Để duy trì sản xuất, Công ty đang nỗ lực huy động nguồn vốn và tiếp tục theo dõi sát tình hình xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới chờ thông thương hàng hóa. 

Công ty cổ phần lâm, nông sản thực phẩm Yên Bái với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến, gia công, kinh doanh lâm nông sản thực phẩm. Các sản phẩm chủ lực gồm: tinh bột sắn, tinh dầu quế, giấy đế và gia công vàng mã xuất khẩu. Hiện Công ty có 8 nhà máy, trong đó, có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn tại huyện Văn Yên; 4 nhà máy sản xuất giấy đế tại các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình; 2 nhà máy gia công vàng mã xuất khẩu tại thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình; 1 nhà máy chế biến tinh dầu quế ở huyện Văn Chấn. Các mặt hàng của Công ty xuất khẩu sang thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan; do đó, khi có dịch Covid-19, các mặt hàng gần như bị đóng cửa thị trường. Riêng tinh bột sắn hiện tồn kho khoảng 12.000 tấn, tương đương trên 100 tỷ đồng.Công ty không xác định được hiệu quả kinh doanh của năm 2020 bởi tinh bột sắn là một trong những sản phẩm quan trọng, chiếm 50% tỷ trọng kể cả doanh thu lẫn hiệu quả kinh doanh. 

Là doanh nghiệp chuyên gia công các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ nhưng hiện nay Công ty TNHH quốc tế Vina KNF (doanh nghiệp 100% vốn FDI) đang gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu tạm thời đóng cửa, nguyên phụ liệu dùng để sản xuất cũng không nhập khẩu được. Do hàng hóa của công ty chủ yếu xuất sang thị trường Hoa Kỳ và EU nên ảnh hưởng rất lớn về giao thương và thanh toán, nhiều đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn, nhiều lô hàng đã xuất nhưng vẫn chưa được cập cảng; chậm thanh toán. Vì vậy Công ty gặp rất nhiều khó khăn về tài chính để trang trải hoạt động và nguyên vật liệu sản xuất. Hiện nay công ty đã cho ¼ người lao động (khoảng 250 người) thay phiên nghỉ vì thiếu việc làm. Dự kiến,công ty sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 21/4/2020 đến ngày03/5/2020, nếu tình hình thị trường Mỹ và EU tiếp tục diến biến xấu thì có thể công ty có nguy cơ đóng cửa lâu hơn.

Trước những khó khăn, thách thức từ dịch bệnh covid – 19, để giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình, đánh giá và lượng hóa các tác động của dịch bệnh đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Tích cực chuẩn bị các phương án tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; trước mắt giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, kịp thời chăm lo bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân ... đúng với tinh thần “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” vượt khó khăn, bước qua đại dịch. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để hạn chế tối đa tác động do dịch bệnh gây ra; đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ vốn đầu tư, gia hạn thời gian nộp thuế,...tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giao thương… Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện phương án song hành vừa chủ động chống dịch, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa đảm bảo thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển góp phần thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

 

Nguyễn Thoa

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h